Giữa trang trại rộng ngút ngàn là căn nhà sàn bằng gỗ lúc nào cũng rộng cửa đón chào những vị khách xa gần. Cách đây 10 năm là khu đồi rậm rạp, không có lối vào, ít người qua lại. Thế mà, khi chúng tôi đến vào sáng ngày đầu tuần thì đã có 2 tốp khách đến tham quan trang trại.
Trang trại là 4 khu đồi hợp lại, có những con đường lớn nhỏ dẫn lối khá quy củ. Cây cối bao phủ, xanh mướt, ở giữa lối đường mòn có khe nước ngầm chảy tuôn trào từ lòng đất, ngày đêm chảy róc rách, nhẹ nhàng tạo cho khung cảnh nơi đây thật bình yên. Thế nhưng đó không phải là điều đặc biệt để hàng ngày, lão nông Bùi Quang Trung đón chào nhiều vị khách ghé thăm mà điều đặc biệt là trang trại của ông có hệ thống tưới tiêu tự động rộng lớn với 15 ha.
Ông Bùi Quang Trung, thôn Km 68, xã Yên Lâm (Hàm Yên) (thứ 2 từ phải qua trái) trao đổi kinh nghiệm sản xuất cây ăn quả cùng khách tham quan.
Đây là hệ thống tưới ẩm tự động theo công nghệ tưới Israel. Bao gồm bể chứa nước, đường ống, vòi tưới được lắp đặt chạy khắp các khu đồi. Kể về cơ duyên đến với công nghệ tưới Israel này, ông nhớ lại, nhiều năm về trước, ông có dịp vào miền Nam học hỏi mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao. Tình cờ biết đến hệ thống béc tưới phun sương theo công nghệ Israel, ông đã nhanh chóng học hỏi. Và thật may mắn khi có Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh có chính sách hỗ trợ ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trên cây trồng cạn. Năm 2020, ông được Nhà nước hỗ trợ đường ống, bình chứa, gia đình ông đối ứng hơn 100 triệu đồng để xây dựng bể chứa và lắp đặt hệ thống tưới ẩm tự động theo công nghệ tưới Israel cho 4 ha cam của gia đình.
Đủ độ ẩm cây cam phát triển tốt, khỏe cây, ra hoa nhiều, chất lượng cam ngon hơn, mẫu mã đẹp hơn, năng suất tăng 30 - 40%. “Nếu trước đây tưới thủ công mỗi ngày mất hơn 3 tiếng đồng hồ, thì nay hệ thống tưới tự động chỉ cần bật công tắc lên, mất tầm 20 đến 30 phút cây được tưới đủ đều nước, nhờ đó phát triển tốt, sai quả hơn. Trước đây, 4 người tưới cả ngày vẫn chưa xong, không tưới được đều, vừa lãng phí nước, vừa bị rửa trôi phân bón”.
Thấy được hiệu quả, ông Trung quyết tâm đầu tư “phủ sóng” hệ thống tưới tiêu cho trang trại của mình. Đến nay hầu hết khu đồi gần 20 ha thì có 15 ha thực hiện hệ thống tưới tiêu này, kinh phí đầu tư khoảng gần 400 triệu đồng. Ông bảo: “Giá cả đầu tư thì… “mặn” đấy nhưng mà tiện lợi, hiệu quả vô cùng. Không chỉ tưới nước mà có thể hòa nước, bón phân, phun chất dinh dưỡng cho cây thường xuyên. Hệ thống phun sương, nhỏ giọt, “mưa dầm thấm lâu” nên đất đai màu mỡ, cây cối sinh trưởng, lợi nhuận trông thấy”.
Trên triền đồi rộng lớn, trang trại xanh ngát những loài cây ăn quả bao phủ, không còn hình ảnh người nông dân phải vất vả kéo ống nước đi khắp khu vườn để tưới từng gốc cây. Nay, chỉ cần một động tác vặn khóa là có thể tưới cho cả vườn cây.
Trang trại bình yên
Với sự chuyên nghiệp của thợ làm vườn, nhiều người lầm tưởng ông Bùi Quang Trung làm nông thuần túy thế nhưng ngoài 50 tuổi ông mới bắt đầu chú tâm làm nông nghiệp. Thời trai trẻ và đến khi lấy vợ, sinh được 2 mặt con, ông Bùi Quang Trung ngược xuôi buôn bán làm đủ nhiều nghề. Và thời kỳ hoàng kim của người đàn ông đa tài này từng là chủ của 4 trạm xăng dầu ở Hàm Yên. Ông xây căn nhà to đẹp đàng hoàng nhất nhì thị trấn Tân Yên.
Sau nhiều năm bôn ba, ngược xuôi, trải qua nhiều biến cố, thất bại trong kinh doanh, ông Trung bán của cải và quyết định “sống ẩn” nơi khu đồi hoang vu, xa xôi ở Yên Lâm. Ông bảo: “Trở về với thiên nhiên với đồi núi, chăm sóc cây cỏ, nhìn chúng lớn lên, trưởng thành từng ngày mới thấy được sự an yên, ý nghĩa lớn lao của lao động, của cuộc sống. Tôi gọi vui đây là trang trại bình yên, bởi đến đây mọi người sẽ thấy được sự nhẹ nhõm, an yên. Có tiếng chim chóc líu lo và mỗi ngày khi 15 ha dàn tưới tự động hoạt động thì âm thanh rào rào, rì rầm, đó là âm thanh đầy sức sống, tưới mát tâm hồn”.
Ông Bùi Quang Trung và con trai thường xuyên kiểm tra hệ thống tưới tiêu tự động trên các khu đồi.
Nhiều người thắc mắc tại sao sức của một lão nông nghiệp dư như ông có thể phủ kín trang trại rộng lớn một chuỗi cây ăn quả bởi ban đầu đây là những khu đồi hoang sơ, rậm rạp. Lúc ấy, nhiều người bảo ông liều, khác gì “đánh bạc với đời”. Họ nói cũng có lý bởi đất ở đây lúc bấy giờ toàn cỏ tranh, lau lách rậm um tùm, trong khi đó sức khỏe thì yếu, vốn liếng có hạn.
Ông Trung kiên định tự nói với bản thân: “Cứ kiên trì làm, kiên trì lao động, có cơ hội thì mình cứ làm bởi đôi khi thành công không quá quan trọng, quan trọng là mình đã tìm cách bước về phía trước…”.
Trong quá trình đó, ông thường xuyên linh động chuyển đổi và thực hiện sáng tạo các mô hình. Nào là thực hiện lấy ngắn nuôi dài, trồng xen canh, gối vụ, thấy cái gì mới, cái gì hay là áp dụng ngay. Ông mạnh dạn đi đầu trồng cây ăn quả: Bưởi, cam, chanh... Với ông, làm kinh tế cũng như xây nhà, phải chắc chắn, đặt từng viên gạch vững chãi thì mới kiên cố và bền được. Ông nghiêm túc thực hiện từ việc đích thân đi thực tế các mô hình trong và ngoài tỉnh để học hỏi, sau đó nuôi, trồng thử nghiệm, cho ra kết quả tốt là bắt đầu nhân giống đại trà. Thế nên khi gặp thất bại thì thiệt hại không lớn, vẫn dư giả đồng vốn để xoay chuyển hướng mới.
Chính tư duy làm kinh tế chắc chắn và có nhãn quan nhìn nhận nông lâm nghiệp sắc bén mà ông Bùi Quang Trung giờ đây đã sở hữu trang trại với quy mô lớn với 1.500 gốc cam, 500 gốc bưởi, 2 ha chanh leo… Mỗi năm thu nhập 400 - 500 triệu đồng.
Đã từng có lúc thăng hoa với công việc kinh doanh, có lúc thất bại… Và ông Bùi Quang Trung khởi nghiệp với nghề nông khi đã ngoài 50 tuổi. Đến nay ông là một lão nông thực thụ - chủ nhân trạng trại cây ăn quả rộng lớn. Ông tự tin: “Cuộc đời lúc thăng trầm cứ coi là chuyện bình thường. Khởi nghiệp ở tuổi nào cũng chưa bao giờ là muộn nếu chúng ta biết quyết tâm, biết nỗ lực thì mọi sự cố gắng sẽ được đền đáp”.
Giang Lam